Ở một mức độ nào đó, cuộc sống của chúng ta có thể được xem là tổng hợp của những lựa chọn đã đưa ra. Dĩ nhiên, sẽ có những quyết định tốt hơn những quyết định khác. Việc nhìn lại những quyết định trong quá khứ (hay còn gọi là Suy nghĩ đối nghịch) là điều rất tự nhiên và không phải lúc nào cũng xấu. Tuy nhiên, cuộc sống chỉ là một hành trình một chiều và hành trình ấy lại rất ngắn ngủi.
Đôi khi, chúng ta nhìn lại và ước rằng mọi chuyện đã có thể khác đi:
“Giá như ngày xưa mình được nhận một vai trong vở kịch… rồi mình sẽ tham gia chương trình kịch nghệ tuyệt vời tại Ivy League, và sau đó…” “Giá như bạn trai cũ của mình ngày xưa không học ở trường cách xa nửa vòng trái đất. Mình thực sự ước rằng anh ấy chẳng đi xa – nếu có anh ấy, có thể cuộc đời mình đã hạnh phúc hơn…” “Giá như mình chọn công việc khác thay vì làm cái việc này khi mới 20 tuổi. Lúc đó mình còn chẳng hiểu mình muốn gì. Đời mình chắc chắn sẽ tươi sáng hơn nếu mình làm thế…”
Chúng ta gọi đó là Suy nghĩ đối lập đi lên (Studer, 2016), và cảm xúc thường đi kèm với nó là sự thất vọng và chán nản.
Đôi khi, khi nhìn lại, chúng ta cũng có thể nghĩ về những điều tốt đẹp mà lẽ ra có thể tồi tệ hơn rất nhiều:
“Ngẫm lại thì thật may mắn khi mình không bỏ dở chương trình học Sư phạm. Mình thực sự yêu thích công việc dạy dỗ trẻ em và còn thích đi du lịch vào mùa hè nữa. Nhìn lại, đây thực sự là công việc hoàn hảo đối với mình.” “Ngày nào mình cũng cảm tạ vì đã ly dị chồng và chia tay với Harold. Dù quá trình ly dị có mệt mỏi, nhưng ít nhất giờ đây mình không phải chịu đựng cuộc sống với một gã tồi.” “Thật tuyệt vời vì mình đã quyết định chuyển đến California khi mới 20 tuổi, dù lúc đó ý tưởng ấy có vẻ điên rồ. Nhưng giờ đây, mình có một gia đình hạnh phúc và công việc tuyệt vời. Đây chắc chắn là quyết định tốt nhất mà mình từng làm!”
Chúng ta gọi đó là Suy nghĩ đối lập đi xuống (Studer, 2016), và chúng thường giúp nâng cao tinh thần của chúng ta.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Suy nghĩ đối lập đi xuống thường có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe tâm lý hơn so với Suy nghĩ đối lập đi lên (McMullen & Markham, 2000). Trong trường hợp Suy nghĩ đối lập đi xuống tạo ra cảm xúc tiêu cực, chúng có thể tạo động lực để mọi người hành động hiệu quả hơn. Ngược lại, khi chúng tạo ra cảm xúc tích cực, chúng giúp mọi người cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Vì vậy, việc nhìn lại vấn đề từ một góc độ khác không phải là một điều tồi tệ.
Một nghiên cứu gần đây đã khám phá Suy nghĩ đối lập trong bối cảnh các mối quan hệ thân mật. Lauren Studer (2016), cựu sinh viên ngành tâm lý học, nhận thấy rằng Suy nghĩ đối lập trong các mối quan hệ thân mật có liên quan đến kết quả tích cực, như sự hài lòng trong mối quan hệ (kết quả tương tự với những nghiên cứu trước đó của nhóm nghiên cứu khác; Geher et al., 2005).
Đặc biệt, Lauren cũng phát hiện ra rằng phụ nữ có xu hướng thực hiện Suy nghĩ đối lập đi xuống trong mối quan hệ nhiều hơn nam giới. Nói cách khác, phụ nữ có nhiều khả năng suy nghĩ về cách các mối quan hệ trong quá khứ được giải quyết tốt hơn. Trong khi đó, nam giới dường như ít quan tâm đến việc suy nghĩ về quá khứ.
Suy nghĩ đối lập đi lên cũng mang lại một số lợi ích nhất định. Chẳng hạn, nếu bạn không chuẩn bị kỹ lưỡng cho bài kiểm tra và cuối cùng bị trượt, việc nghĩ về thất bại đó có thể trở thành động lực để bạn cố gắng hơn trong lần kiểm tra tiếp theo. Điều này minh chứng rằng Suy nghĩ đối lập đi lên có thể thúc đẩy hành động cải thiện bản thân.
Tuy nhiên, loại suy nghĩ này thường đi kèm với sự bi quan (ví dụ: “Giá mà mình đừng làm điều đó!”). Trong các mối quan hệ, nó thường liên quan đến mức độ hài lòng thấp hơn (Studer, 2016). Vì vậy, việc nhìn lại những sai lầm trong quá khứ không phải lúc nào cũng là con đường hiệu quả để đạt được hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống.
Sự nghiền ngẫm (rumination) là một trong những dấu hiệu đặc trưng của trầm cảm (Keller & Nesse, 2006). Trong bối cảnh Suy nghĩ đối lập, nghiền ngẫm có thể được coi như một trạng thái kéo dài và lặp đi lặp lại của Suy nghĩ đối lập đi lên trong tâm trí mỗi người. Khi những ý nghĩ tiêu cực như “Tôi thực sự đã sai lầm” dần chiếm lĩnh tâm trí, sự bi quan sẽ len lỏi và ngày càng gia tăng.
Nếu bạn nhận thấy mình đang mắc kẹt trong vòng lặp của Suy nghĩ đối lập đi lên, điều quan trọng là phải cẩn thận từng bước để thoát ra và tiến về phía trước. Hãy nhớ rằng, mọi điều đã xảy ra – dù là hôm nay, hôm qua, hay thậm chí nhiều năm về trước – đều đã thuộc về quá khứ. Thời gian chỉ có một chiều, và điều duy nhất chắc chắn là chúng ta không thể quay lại.
Cuộc sống, ở một khía cạnh nào đó, chính là tổng hòa của những lựa chọn mà bạn đã đưa ra. Đương nhiên, sẽ có những lựa chọn tốt hơn và những lựa chọn kém hơn. Việc nhìn lại và suy ngẫm về các quyết định trong quá khứ (hay còn gọi là Suy nghĩ đối nghịch) là điều tự nhiên của con người, và như đã đề cập, không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực.
Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy mình thường xuyên đắm chìm trong những suy nghĩ về quá khứ và chỉ tập trung vào những điều lẽ ra có thể làm tốt hơn, điều đó có thể khiến bạn khó tiến về phía trước và sống trọn vẹn với hiện tại cũng như tương lai. Rốt cuộc, cuộc sống là một hành trình chỉ có một chiều, và hành trình này lại vô cùng ngắn ngủi…
Tài liệu tham khảo: