Những bức tranh đánh lừa thị giác luôn khiến chúng ta không khỏi ngỡ ngàng—thoạt nhìn thấy một hình ảnh, nhưng quan sát kỹ lại nhận ra điều hoàn toàn khác. Tuy nhiên, bạn có biết rằng ảo ảnh thị giác không chỉ là trò đánh lừa đơn thuần mà thực chất dựa trên cơ chế khoa học? Chúng phản ánh cách mắt và não bộ phối hợp để xử lý thông tin về thế giới xung quanh. Hãy cùng khám phá những bức tranh đánh lừa thị giác nổi tiếng nhất thế giới và tìm hiểu bí ẩn đằng sau chúng!
Bức tranh này lần đầu tiên được công bố vào năm 1964 bởi D.H. Schuster. Như tên gọi của nó, vật thể này chắc chắn không thể tồn tại trong thực tế. Khi nhìn từ phía dưới, bạn sẽ thấy nó có ba nhánh, nhưng phần trên lại chỉ tách thành hai nhánh rõ ràng. Hình dạng này là không thể, vì nó vi phạm các nguyên lý cơ bản của hình học Euclid.
Bạn nhìn thấy 2 nhánh hay 3 nhánh? (Nguồn: Sưu tầm)
Đây là hiện tượng ảo ảnh chuyển động: một hình ảnh tĩnh nhưng khi nhìn vào, bạn có thể cảm nhận nó như đang di chuyển. Có phải bạn thấy các chấm đen dường như đang lắc lư? Thực ra, đây chỉ là một bức tranh tĩnh, không hề có chuyển động. Các nhà khoa học tại Viện Thần kinh Barrow đã nghiên cứu và giải thích rằng chính những chuyển động nhỏ của mắt và hành động chớp mắt mới là nguyên nhân khiến bộ não của chúng ta cảm nhận các chấm đen như đang chuyển động.
Bạn có nhìn thấy những chấm tròn chuyển động không? (Nguồn: Sưu tầm)
Hình tròn ở giữa bên trái có vẻ lớn hơn hình tròn ở giữa bên phải, nhưng thực chất đó chỉ là một ảo giác, do nó được bao quanh bởi các hình tròn nhỏ hơn. Ảo giác này xảy ra vì bộ não của chúng ta sử dụng các yếu tố xung quanh để ước lượng kích thước, giống như cách chúng ta thường cho rằng những vật nhỏ hơn là ở xa hơn. Vì hình tròn bên trái được bao quanh bởi các hình tròn nhỏ hơn, bộ não cảm nhận nó lớn hơn, trong khi hình tròn bên phải lại được bao quanh bởi các hình tròn lớn hơn, khiến nó có vẻ nhỏ hơn.
Bạn có thấy 2 hình tròn khác nhau không? (Nguồn: Sưu tầm)
Tên gọi của ảo ảnh này xuất phát từ việc nó được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1970, ngay ngoài một quán cà phê bởi một người tên là Richard Gregory. Các đường kẻ ngang màu xám có vẻ bị nghiêng, nhưng nếu bạn che các ô màu đen trắng hoặc dùng thước đo, bạn sẽ nhận ra rằng các đường ngang thực sự nằm thẳng. Để tạo ra ảo ảnh này, các ô đen trắng ở hàng trên và dưới phải được sắp xếp lệch nhau, còn các đường màu xám phải được đặt chính xác.
Bạn có thấy những đường nằm ngang bị nghiêng đi không? (Nguồn: Sưu tầm)
Hiệu ứng này xảy ra do sự tương tác giữa các tế bào thần kinh trong não. Cách bố trí các ô màu làm cho võng mạc của chúng ta tự động “làm mờ” hoặc “tăng sáng” ở các phần khác nhau của đường ngang. Khi có sự tương phản về độ sáng giữa hai ô (chẳng hạn như ô đen nằm trên ô trắng), các tế bào thần kinh sẽ nhận thức hình ảnh này như những hình nêm, khiến các đường ngang có vẻ bị nghiêng.
Ảo ảnh này đã xuất hiện từ những năm 1870 và được phát hiện bởi Ludimar Hermann. Khi bạn nhìn chằm chằm vào một điểm cố định trong bức tranh, bạn sẽ cảm nhận được sự xuất hiện của các chấm đen tại các giao điểm của các đường trắng, nhưng khi di chuyển ánh nhìn vào các điểm đó thì bạn sẽ thấy chẳng có gì cả.
Bạn có thấy những chấm đen nằm ở giao điểm các đường trắng không? (Nguồn: Sưu tầm)
Những chấm đen này là kết quả của một quá trình thần kinh gọi là “ức chế bên”. Khi một tế bào thần kinh bị kích thích, nó có khả năng ức chế các tế bào xung quanh. Khi có quá nhiều ánh sáng (như các đường màu trắng) kích thích một tế bào thần kinh võng mạc, tế bào này không thể xử lý hết tất cả ánh sáng, dẫn đến một số vùng bị ức chế và tạo ra các chấm đen ảo.
Bạn có thể đếm được con voi này có bao nhiêu chân không? Chắc hẳn sẽ khiến bạn phải suy nghĩ khá lâu, nhưng một cách đơn giản để giải quyết là che khuất các bàn chân dưới của con voi. Khi đó, bạn sẽ nhận thấy con voi chỉ có 4 chân như bình thường. Nguyên nhân khiến hình ảnh này trở thành ảo ảnh là vì người vẽ đã để trống những khu vực lẽ ra là bàn chân, thay vào đó lại vẽ bàn chân ở khoảng trống giữa hai chân thật. Điều này làm cho não bộ của chúng ta bị rối và không thể xác định được chân thực sự ở đâu.
Đâu mới là chân thật của con voi? (Nguồn: Sưu tầm)
Loại ảo ảnh này lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1971 trong cuốn sách “Hiện tượng Tương phản và Khuếch tán Màu” của nhà tâm lý học Dario Varin. Trong hình, các đoạn thẳng nằm trong vòng tròn có màu xanh, nhưng chính vòng tròn lại có màu trắng, tương tự như nền của bức tranh. Cho đến nay, vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng về lý do tại sao mắt chúng ta lại cảm nhận vòng tròn có màu giống với các đường thẳng đó.
Bạn nhìn thấy hình tròn màu xanh có phải không? (Nguồn: Sưu tầm)
Ảo ảnh này được phát hiện lần đầu bởi Joseph Jastrow vào năm 1889. Trong bức hình, hai thanh dường như có độ dài khác nhau khi đặt chúng cạnh nhau, với một thanh có cạnh ngắn áp sát vào cạnh dài của thanh kia. Tuy nhiên, khi chồng hai thanh lên nhau, chúng lại có kích thước hoàn toàn bằng nhau. Mặc dù ảo ảnh này đã được phát hiện từ lâu, nhưng vẫn chưa có giải thích cụ thể về cơ chế hoạt động của nó. Ảo giác này có thể do cách não bộ xử lý thông tin không đồng nhất giữa các yếu tố không gian và chiều dài, khiến chúng ta cảm nhận sự khác biệt về kích thước dù thực tế chúng hoàn toàn bằng nhau.
Một đoạn dài một đoạn ngắn có đúng không? (Nguồn: Sưu tầm)
Ảo ảnh này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1955. Khi nhìn vào hình, bạn có thể thấy một hình tam giác ngược màu trắng chồng lên một hình tam giác màu đen. Tuy nhiên, thực tế không có hình tam giác nào xuất hiện trong bức tranh.
Bạn có nhìn thấy hình tam giác màu trắng không? (Nguồn: Sưu tầm)
Hiện tượng này xảy ra vì bộ não của chúng ta có xu hướng tự động hoàn thiện những chi tiết thiếu sót để tạo ra một hình ảnh đầy đủ. Cụ thể, trong trường hợp này, não bộ “thêm” vào một hình tam giác màu trắng, dù thực tế không tồn tại. Hiện tượng này được gọi là “cạnh ma”, khi các cạnh hoặc hình dạng bị thiếu nhưng vẫn được não bộ nhận diện và bổ sung.
Nhìn qua, bạn có thể thấy những đường này có vẻ dài ngắn khác nhau, nhưng thực chất chúng hoàn toàn có cùng độ dài và hai đầu của chúng cũng nằm thẳng hàng.
Hình màu đỏ ở dưới cho thấy độ dài bằng nhau (Nguồn: Sưu tầm)
Nguyên nhân gây ra ảo giác này là do các mũi tên ở hai đầu của đoạn thẳng. Khi mũi tên chỉ ra ngoài, nó khiến đoạn thẳng trông ngắn hơn, trong khi mũi tên chỉ vào trong lại tạo cảm giác đoạn thẳng dài hơn. Một lý thuyết phổ biến giải thích hiện tượng này là mắt của chúng ta có xu hướng phản ứng với các góc. Khi nhìn thấy các mũi tên, mắt tự động nhận diện chúng như các góc mở hoặc góc đóng, điều này ảnh hưởng đến cảm nhận về chiều dài thực tế của đoạn thẳng.
Trên đây là những bức ảnh “thật mà ảo” khiến thị giác của chúng ta bị đánh lừa, tạo nên những cảm giác vừa bất ngờ vừa thú vị. Bạn cảm thấy ấn tượng nhất với bức ảnh nào? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn nhé!
Tài liệu tham khảo: