Rối Loạn Stress Sau Sang Chấn (Chấn Thương Tâm Lý): Những điều bạn cần biết!

29/11/2024 admin

Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là một dạng rối loạn tâm lý nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần và cuộc sống của người bệnh. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn sâu hơn về PTSD, từ đó thấu hiểu, đồng cảm và tìm kiếm sự hỗ trợ cho bản thân hoặc người thân.

Rối loạn stress sau sang chấn là gì?

Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) đã được mô tả là những ảnh hưởng phức tạp về thể chất, nhận thức, cảm xúc và hành vi của sang chấn tâm lý. PTSD được đặc trưng bởi những suy nghĩ xâm nhập, ác mộng và hồi tưởng về các sự kiện đau thương trong quá khứ, né tránh những lời nhắc về sang chấn, giảm cảnh giác và rối loạn giấc ngủ. Tất cả đều dẫn đến rối loạn chức năng xã hội, nghề nghiệp và cá nhân đáng kể.

Rối loạn stress sau sang chấn là gì?

Nguyên nhân của rối loạn stress sau sang chấn

Tác nhân gây căng thẳng là nguyên nhân chính dẫn đến PTSD. Tuy nhiên không phải ai trải qua căng thẳng đều mắc PTSD.

  • Yếu tố sinh học: Những thay đổi trong hệ thống noadrenergic, hệ trục dưới đồi – tuyến yên (HPA), những thay đổi trong cấu trúc và chức năng não, điển hình như hồi hải mã, hạch hạnh nhân và vùng vỏ não trước trán trung gian…
  • Các yếu tố tâm lý xã hội, yếu tố nhận thức hành vi.
  • Các yếu tố di truyền cũng có thể góp phần làm cho một người dễ mắc PTSD thông qua sự tương tác với các yếu tố môi trường.
  • Các yếu tố nguy cơ: Sang chấn thời thơ ấu; nhân cách ranh giới, những thay đổi trong cuộc sống gần đây…

Biểu hiện của rối loạn stress sau sang chấn

Bốn nhóm biểu hiện của PTSD bao gồm:

  • Xâm nhập: Sự xâm nhập là những ký ức hoặc cơn ác mộng không mong muốn, tái hiện lại sự kiện sang chấn. Sự xâm nhập có thể ở dạng “hồi tưởng”, có thể kích hoạt bởi hình ảnh, âm thanh, mùi, hoặc các kích thích khác.
  • Né tránh: Người bệnh có thể né tránh những thứ gợi nhớ về sang chấn tâm lý, ví dụ như những địa điểm cụ thể hoặc các hoạt động liên quan.
  • Những thay đổi tiêu cực trong nhận thức và cảm xúc: Những thay đổi về nhận thức và cảm xúc bao gồm không quan tâm, thờ ơ, nhận thức sai lệch, mất quan tâm thích thú, tự đổ lỗi không phù hợp, trầm cảm.
  • Thay đổi về kích thích và phản ứng: Những người mắc PTSD có thể bị kích thích quá mức, bồn chồn, và phản ứng quá mức hoặc họ có thể tỏ ra bị tê liệt và xa cách.
  • Một phân nhóm phân ly của PTSD, bao gồm tât cả các triệu chứng trên, cùng với giải thể nhân các và/hoặc tri giác sai thực tại. 

Biểu hiện của rối loạn stress sau sang chấn thế nào?

Cách điều trị rối loạn stress sau sang chấn

Mục tiêu điều trị PTSD bao gồm, duy trì sự an toàn cho người bệnh và những người khác, giảm các triệu chứng đau khổ, giảm hành vi né tránh, giảm lo âu và cải thiện khả năng thích ứng và chức năng tâm lý xã hội cũng như giảm nguy cơ tái phát.

Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý tập trung vào sang chấn là phương pháp điều trị ưu tiên. Tuy nhiên với những trường hợp người bệnh có những rối loạn đi kèm (ví dụ như trầm cảm, loạn thần) ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận điều trị tâm lý thì điều trị bằng thuốc cho đến khi triệu chứng ổn định, sau đó phối hợp liệu pháp tâm lý.

Vô hiệu hóa nỗi sợ tái tiếp xúc gây ra việc tránh các tình huống tương tự.

Điều trị rối loạn stress sau sang chấn như thế nào?

Thuốc

Các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) là lựa chọn thay thế đầu tiên: SSRI là lựa chọn thay thế thích hợp cho liệu pháp tâm lý và được ưu tiên đầu tiên ở những người bệnh mắc trầm cảm hoặc rối loạn lo âu khác, đặc biệt nếu các triệu chứng của chúng ảnh hưởng đến liệu pháp tâm lý. Trong đó Sertraline và Paroxetine được FDA phê duyệt trong điều trị PTSD.

Các thuốc khác cũng có thể sử dụng trong điều trị PTSD bao gồm Imipramine, Amitriptyline, Trazadone, thuốc ức chế tái hâp thu serotonin và norepinephrine, thuốc chống loạn thần thế hệ hai… việc lựa chọn thuốc phù hợp với từng cá nhân.

Thời gian điều trị khuyến cáo trong ít nhất 6 tháng đến 12 tháng để ngăn ngừa tái phát hoặc tái diễn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Sadock BJ, Sadock VA, Ruiz P. Synopsis of Psychiatry Behavioral Sciences/ Clinical Psychiatry. Eleventh edition. New York, NY: Wolters Kluwer; 2015.
  2. World Health Organization. International Statistical Classification of Diseases and Related Health Problems. 10 ed. Geneva1992.

Liên hệ